VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM

1. Viêm tai
Viêm tai ngoài là hiện tượng nhiễm trùng lớp da mỏng ở khoang tai (khoang tai được tính từ màng nhĩ đến bên ngoài tai), do vi khuẩn, nấm gây ra. Vi khuẩn, nấm ở trong môi trường nước đi vào tai khi cho trẻ bơi lội hoặc khi có dị vật trong tai hay trẻ mắc các bệnh về da cũng là thời điểm nhạy cảm cho vi khuẩn nấm phát triển trong tai.
Vi khuẩn, nấm gây ra viêm tai ngoài với các biểu hiện: đau, ngứa tai, xuất hiện mủ chảy trong tai ra, thính lực giảm.
Viêm tai giữa (tai giữa gồm màng nhĩ và hốc xương tai) là viêm cấp do ứ đọng dịch trong hốc xương tai gây nhiễm trùng mà thành. Ở trẻ em, vòi nhĩ nối hòm tai và họng mũi ngắn nhưng khẩu kính lại lớn hơn so với người trưởng thành nên vi khuẩn gây bệnh, các chất xuất tiết ở mũi họng rất dễ chảy vào hòm tai gây viêm. Viêm tai giữa ở trẻ thường có biểu hiện sốt cao, kém ăn, thính giác kém, đau tai, nôn mửa.
2. Viêm thanh quản
Viêm thanh quản là bệnh phổ biến hay gặp vào thời điểm chuyển mùa từ mùa thu sang mùa đông. Nhiệt độ không khí thấp, đường hô hấp của trẻ ngắn và không có lông sưởi như ở người lớn, không khí đi vào hệ thống hô hấp không được làm ấm. Trẻ có nguy cơ bị nhiễm lạnh hệ thanh quản, vi khuẩn, virus cũng dễ dàng xâm nhập gây bệnh cho trẻ.
Hơn nữa trẻ nhỏ hiếu động, hay la hét dẫn đến tình trạng hộp thoại, dây thanh hoạt động quá mức, dễ bị kích ứng gây viêm, nhiễm trùng. Khi các dây thanh quản bị viêm, sưng làm hình dạng các dây bị biến đổi làm biến dạng âm thanh gây các biểu hiện ho, ho khan, khàn tiếng.
3. Tay chân miệng
Chân tay miệng là bệnh do hai con virus coxsackievirus A16 và enterovirus 71 gây nhiễm trùng. Hai con virus trên sống ở trong đường tiêu hóa. Chân tay miệng rất dễ xảy ra ở trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch của trẻ chưa có khả năng chống virus. Thông qua việc giao tiếp thông thường với các trẻ bị chân tay miệng cũng có thể khiến trẻ mắc bệnh.
Trẻ nhỏ mắc bệnh chân tay miệng thường có các biểu hiện như sốt cao, chán ăn, đau bụng, ho, buồn nôn, loét miệng, trong khoang miệng xuất hiện những nốt đỏ. Mùa xuân, mùa hè, mùa thu là những mùa trẻ rất dễ mắc chân tay miệng. Không khí nóng ẩm là môi trường thích hợp cho các virus chân tay miệng phát triển.
4. Bệnh về đường tiêu hóa:
a.Tiêu chảy
Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân có thể do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Biểu hiện ra ngoài của bệnh là trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần một ngày, có thể kèm theo các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, mất nước và mệt mỏi.
Tiêu chảy ở trẻ nhỏ là bệnh thường gặp, nhưng nếu để tiêu chảy kéo dài, trẻ sẽ bị mất nước và điện giải. Bố mẹ cần bù nước và điện giải cho bé kịp thời. Cho trẻ uống đúng cách, uống từng ít một, uống liên tục và rải rác trong ngày.
Nếu tình trạng diễn tiến bệnh nặng hơn, bố mẹ nên đưa trẻ đến trung tâm y tế để xử lý, không nên tự ý mua thuốc về dùng để hạn chế những sự cố không mong muốn có thể xảy ra.
b. Bệnh tả
Tả là bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể lây lan thành dịch, bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ tử vong cao.
Đặc điểm nhận biết chủ yếu khi mắc bệnh tả là tiêu chảy ra nước ồ ạt, nôn ói liên tục, đau bụng. Tiêu chảy là triệu chứng nguy hiểm đáng lo ngại nhất. Bé có thể đi ngoài liên tục, không cầm được, phân toàn nước màu trắng đục. Trẻ bị mất nước nghiêm trọng, kiệt sức và có thể tử vong rất nhanh sau đó.
Bệnh do vi khuẩn tả (Vibrio cholerae) gây ra. Loại vi khuẩn này thường xuất hiện ở những nơi dơ bẩn, nguồn nước kém vệ sinh, thức ăn bị ôi thiu, chưa nấu chín hay để ruồi nhặng đậu vào. Trẻ khi ăn uống trong môi trường đó, vi khuẩn sẽ theo thức ăn vào bộ máy tiêu hóa, chúng phát triển và tiết ra nhiều chất độc gây bệnh.
Do đó, để phòng ngừa bệnh tả cho trẻ, cần phải giữ vệ sinh ăn uống, dùng nước đun sôi để nguội, hạn chế sử dụng các loại nước uống ngoài vỉa hè chưa được tiệt trùng hoặc đóng chai. Thức ăn phải được nấu chín kỹ. Gia đình cũng có thể tập cho bé thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để hạn chế nhiễm khuẩn.
c. Bệnh rối loạn tiêu hóa
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị rối loạn tiêu hóa do hệ thống tiêu hóa chưa được hoàn thiện
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt bất thường gây ra tình trạng đau bụng và những thay đổi trong đại tiện. Khi bị rối loạn tiêu hóa, bé sẽ thường xuyên gặp bất tiện trong sinh hoạt do thay đổi trong vấn đề đi vệ sinh, thường xuyên bị đau bụng, đầy hơi, cảm giác khó chịu.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị rối loạn tiêu hóa do hệ thống tiêu hóa chưa được hoàn thiện cả về cấu trúc cũng như hoạt động và lượng enzym tiêu hóa. Hơn nữa, sức đề kháng của trẻ yếu hơn, nên dễ bị loạn khuẩn đường tiêu hóa. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý hoặc sử dụng kháng sinh cũng là nguyên nhân gây ra bệnh khó chịu này.
Rối loạn tiêu hóa lâu ngày khiến trẻ không hấp thu được đầy đủ các chất dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh. Hậu quả là trẻ thường bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất và hệ miễn dịch kém phát triển.
DO VẬY Hãy bảo vệ sức khỏe trẻ em bằng: Vận động, Vệ sinh sạch sẽ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng của cơ thể các cháu để đảm bảo con em chúng ta phát triển khỏe mạnh và toàn diện nhất!